Hiện nay, phong trào tập luyện thể thao đang ngày càng phát triển ở nước ta. Từ nông thôn đến thành thị, từ trẻ em đến người cao tuổi, tất cả đều tích cực tập luyện thể thao để nâng cao sức khỏe. Bên cạnh đó, các chấn thương xảy ra khi chơi thể thao cũng ngày càng nhiều hơn. Từ những chấn thương nhẹ như: xây xát ngoài da, bầm tím phần mềm, bong gân đến những chấn thương nặng như: đứt dây chằng, rách cơ, gãy xương…Tất cả không ít thì nhiều đều ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe, công việc và kinh tế của người bị chấn thương. Bởi vậy hiểu và biết cách phòng tránh chấn thương khi chơi thể thao là điều rất cần thiết và có ý nghĩa quan trọng. Mọi người nên lựa chọn những môn thể thao mà mình yêu thích nhưng phải phù hợp với thể trạng của bản thân.
Trước hết phải nắm vững kỹ thuật môn thể thao mà mình tập luyện, đồng thời nên trang bị những phương tiện bảo vệ thật tốt như: giày, băng gối, băng cổ tay,…Việc khởi động làm nóng trước khi chơi thể thao là hết sức cần thiết giúp cơ bắp thích nghi với các hoạt động thể lực trong quá trình chơi. Tùy theo từng cá nhân, mà thời gian và cường độ tập luyện cần được phân bố cho phù hợp. Cuối cùng, đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý là điều không thể thiếu.
Khi không may xảy ra chấn thương, chúng ta cần thực hiện đúng các bước sơ cứu ngay tại chỗ như: dừng chơi thể thao, chườm đá, băng ép vùng chấn thương, …Sau đó nên đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa y học thể thao để được bác sỹ thăm khám, tư vấn và đưa ra phương pháp điều trị thích hợp. Các chấn thương nhẹ chỉ cần nghỉ ngơi, mang nẹp, uống thuốc. Song đôi khi những chấn thương nặng cần phải phẫu thuật. Hiện nay, phẫu thuật nội soi đã được ứng dụng rộng rãi trong điều trị chấn thương thể thao như: phẫu thuật nội soi tái tạo dây chằng, khâu sụn chêm, và ghép sụn với ưu điểm: thời gian nằm viện ngắn, tính thẩm mỹ cao, khả năng phục hồi tốt, giúp người chơi thể thao sớm trở lại với các hoạt động thể thao yêu thích.